Cách đây tròn 70 năm, chiếc máy bay thử nghiệm Messerschmitt 262 đã trở thành máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên trên thế giới.

Máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới Me 262. Ảnh Airportjournal

Do có vấn đề về động cơ phản lực và quyết định sai lầm của Hitler, loại máy bay chiến đấu phản lực Me 262 hiện đại nhất thế giới chỉ được tung ra vào thời điểm quân đội Đức sắp bị đánh bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Dưới sự điều khiển của một phi công có kinh nghiệm, Me 262 đã chứng tỏ là loại máy bay tiêm kích “khủng” nhất, vượt xa tất cả các loại máy bay chiến đấu tốt nhất của đồng minh – trong đó có cả chiếc máy bay chiến đấu phản lực Gloster Meteor của Không quân Hoàng gia Anh.

Lẽ ra, Me 262 đã có thể tung ra chiến trường sớm hơn rất nhiều. Chiếc Me 262 thử nghiệm đầu tiên đã được hoàn tất trong năm 1939. Nhưng do chi phí quá cao và do các viên tướng Đức quốc xã cho rằng họ có thể giành chiến thắng bằng các loại máy bay cánh quạt hiện có, Me 262 không nằm trong diện vũ khí ưu tiên của quân đội Đức quốc xã.
Chiếc Me 262 thử nghiệm đầu tiên đã bay lượn trên bầu trời xứ Bavaria năm 1941, nhưng do động cơ phản lực của hãng BMW quá yếu nên nó phải bay bằng động cơ cánh quạt Jumo 210.

Chiến đấu cơ phản lực… không thể cất cánh

Hồi đầu tháng 6/1942, sau nhiều lần cất cánh bất thành với chiếc Me 262, phi công thử nghiệm Fritz Wendel của hãng sản Messerschmitt đã chán nản cho rằng máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới này không thể cất cánh.

Chiếc Me 262 thử nghiệm thứ 3 đã bay lượn trên bầu trời xứ Bavaria ngày 18/7/1942.

Thế nhưng ngày 18/7/1942, phi công Wendel đã ngẫu nhiên giải quyết được vấn đề cất cánh của Me 262. Khi cho máy bay chạy lấy đà trên đường băng với tốc độ 180 km/h để cất cánh, ông này đã vô tình phanh gấp và đột nhiên Me 262 bay lên không trung.

Thủ thuật này là cần thiết vì chiếc Me 262 thử nghiệm vẫn sử dụng bánh trước ở phần mũi máy bay như các loại máy bay cánh quạt thông thường.

Sau “sự cố” này, hãng Messerschmitt đã cải tiến mẫu máy bay tiêm kích phản lực Me 262, với bộ bánh xe gấp vào thân ở phần cánh máy bay và bộ cánh nâng cải tiến.

Tuy chuyến bay đầu tiên của chiếc Me 262 thử nghiệm chỉ kéo dài có 12 phút trong ngày 18/7/1942, nhưng đó chính là một sự đột phá trong quá trình thiết kế, thử nghiệm loại máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên trên thế giới.

Quá trình nghiên cứu chế tạo

Ngay từ năm 1939, hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất nước Đức là Messerschmitt và Heinkel đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo các loại máy bay chiến đấu dùng động cơ phản lực.

Thiết kế Me 262 hai động cơ phản lực.

Messerschmitt tập trung vào việc chế tạo máy bay tiêm kích gắn 2 động cơ phản lực. Chỉ có điều động cơ phản lực Typ BMW-003 quá yếu, không thích hợp với máy bay chiến đấu phản lực.

Những ý tưởng về tạo dáng khí động học cho Me 262 xuất hiện vào đầu năm 1941 và mẫu máy bay chiến đấu phản lực thử nghiệm đấu tiên được chế tạo một cách thủ công. Lúc đầu, chiếc máy bay thử nghiệm này được lắp động cơ cánh quạt.

Hồi đầu năm 1942, hai động cơ BMW-003 được lắp vào cánh máy bay và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc Me 262 đầu tiên do phi công Fritz Wendel điều khiển thiếu chút nữa đã trở thành thảm họa. Trong chuyến bay thử nghiệm ngày 25/3/1942, hai động cơ BMW-003 ngừng hoạt động khi chiếc Me 262 đạt được độ cao 10m ở cuối đường băng. Nhờ có một động cơ cánh quạt dự phòng, phi công thử nghiệm Wendel mới điều khiển được chiếc Me 262 hạ cánh an toàn.

Sau đó, Me 262 phải sử dụng động cơ phản lực Jumo-004 có công suất mạnh hơn. Hai chiếc Me 262 thử nghiệm đầu tiên được lắp động cơ này và mãi đến chiếc thứ 3 thì phi công thử nghiệm Fritz Wendel mới thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên một chiến đấu cơ phản lực.

Me 262 hoàn toàn áp đảo so với các loại máy bay của đồng minh thời đó là Spitfire và P-51 Mustang.

Tuy động cơ phản lực chưa hoàn thiện, nhưng Me 262 có tính năng hoàn toàn áp đảo so với các loại máy bay của đồng minh thời đó là Spitfire và P-51 Mustang. Các phi công dày dạn kinh nghiệm trận mạc cho rằng 1 chiếc Me 262 có thể thay thế 5 máy bay tiêm kích thông dụng hồi cuối Chiến tranh thế giới thứ II.

Hitler tự hủy hoại “vũ khí thần kỳ” của Đức quốc xã

Chính Quốc trưởng Hitler đã ngăn cản việc đưa vào tham chiến chiếc máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới Me 262, khi hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống pháo phòng không thường tỏ ra vô dụng.

Mãi đến cuối năm 1943, khi máy bay đồng minh ném bom Berlin và Hamburg, chiếc máy bay thử nghiệm Me 262 thứ 5 mới được trình lên Quốc trưởng Hitler. Thế nhưng, Hitler lại không nhận ra những mặt mạnh của máy bay tiêm kích phản lực và ra lệnh cải tạo Me 262 thành máy bay ném bom tốc độ cao.

Đây là những quyết định sai lầm thường gặp ở Hitler. Vấn đề lớn nhất của không quân Đức hồi cuối năm 1943 là thiếu máy bay đánh chặn những phi đội máy bay ném bom ngày càng đông đảo của quân đồng minh, liên tiếp ném bom các thành phố Đức cùng các cơ sở công nghiệp quốc phòng sản xuất máy bay chiến đấu, xe tăng.

Để đối phó, Hitler ưu tiên việc gia cố công sự, tăng cường hỏa lực pháo phòng không và tiến hành các cuộc tấn công trả đũa nước Anh bằng V1 và tên lửa V2

Chính vì vậy mà cuối năm 1943, chiếc Me 262 đã bị biến thành máy bay ném bom hạng nhẹ, trong khi He 177 bị biến thành máy bom ném bom tầm xa – một dự án không thành hiện thực trước khi quân Đức phải đầu hàng đồng minh.

Me 262 đã hoàn toàn áp đảo các loại máy bay tiêm kích của Mỹ và Anh về tốc độ, hỏa lực.

Mãi đến tháng 11/1944, Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Albert Speer mới thuyết phục được Hitler sử dụng Me 262 làm máy bay đánh chặn. Chỉ 5 ngày sau đó, Me 262 đã hoàn toàn áp đảo các loại máy bay tiêm kích của Mỹ và Anh về tốc độ, hỏa lực.

Thế nhưng, Hitler vẫn không tin tưởng loại máy bay chiến đấu phản lực Me 262 có tốc độ 1.000 km/h từng được thử lửa thành công và ra lệnh tập trung nghiên cứu chế tạo loại máy bay cánh quạt Ta 152.

Hồi đầu năm 1945, chỉ có mấy chục chiếc Ta 152 được tung vào chiến trường, trong khi hơn 1.000 chiếc Me 262 đã thực chiến rất hiệu quả.

Chỉ có điều khi đó, không quân Đức bị thua xa đồng minh về số lượng máy bay. Ưu thế trên không đã giúp các máy bay ném bom phá hủy hơn 700 máy bay phản lực Me 262, chủ yếu đang đậu trên mặt đất.. Với số lượng máy bay áp đảo tuyệt đối, không quân đồng minh đã hoàn toàn làm chủ bầu trời hồi đầu năm 1945.

Giống như tàu ngầm Type XXI, Me 262 được tung ra chiến trường quá muộn, khi mà các máy bay ném bom của đồng minh đã thả sức ném bom Berlin, Hamburg và các nhà máy quân sự của Đức quốc xã.

Máy bay Me 262 "chiến lợi phẩm" của quân đồng minh.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, máy bay Messerschmitt Me 262 - một trong những “vũ khí thần kỳ” của Đức Quốc xã – đã trở thành chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ. Hiện thời một chiếc máy bay tiêm kích phản lực đánh đêm Me 262 được trang bị radar vẫn còn được trưng bày ở một sân bay của Hải quân Mỹ tại bang Washington.

Dù không đảo ngược được cục diện chiến tranh, nhưng Me 262 vẫn được lịch sử công nhận là loại máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới – khởi đầu cho những thế hệ máy bay chiến đấu phản lực sau này.

Một số "vũ khí thần kỳ" của Đức Quốc xã rơi vào tay đồng minh:

Máy bay Me 262 tại một căn cứ Hải quân Mỹ ở bang Washington.

"Bom bay" V1 từng khiến nước Anh kinh sợ.

Tên lửa V2 - Cha đẻ của các loại tên lửa vũ trụ của NASA

Tàu ngầm Typ XXI vượt trội hơn tất cả các loại tàu ngầm của đồng minh vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II.

Xe tăng hạng nặng E-100 chưa đưa vào sản xuất hàng loạt

Máy bay ném bom tầm xa Horten Ho 229 đang ở trong giai đoạn thiết kế chế tạo.

Nguồn

Hướng dẫn chăm sóc cây

Bạn có thể thích

Ant Green
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn