Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Nhà máy Cơ khí Mai Động (nay là Công ty TNHH MTV Mai Động, Hà Nội), có một trung đội tự vệ gồm 11 cán bộ, chiến sĩ và 2 khẩu pháo phòng không 14,5mm. Vào đêm 22-12-1972, chỉ bằng một điểm xạ ngắn, với 19 viên đạn Tự vệ nhà máy đã bắn rơi chiếc F111-A “cánh cụp, cánh xòe”, bắt sống hai phi công... Đây là một yếu tố quan trọng để Chủ tịch nước tặng thưởng Công ty Mai Động danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ.


Dân quân tự vệ và quân đội triển khai đánh trả máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu

Chúng tôi về tổ 24, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai và gặp ông Đặng Văn Sinh, 66 tuổi, vào Nhà máy năm 1961 làm công nhân nhiệt luyện và cũng tham gia tự vệ từ đấy. Ông bồi hồi kể: "Những đêm đầu trong đợt tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Trung đội được giao phục vụ chiến đấu cho một đơn vị pháo 100mm của Quân chủng PK-KQ, trận địa cách Nhà máy khoảng 300 mét. Nhiệm vụ của chúng tôi là chuyên lắp ngòi nổ, chuyển đạn, cứu thương và cứu sập...

Chiều 22-12, Trung đội được lệnh cơ động vào Vân Đồn, ngoài bãi sông Hồng. Đây là vị trí có thể “đón lõng” máy bay tiêm kích của địch từ phía Bắc, qua dãy Tam Đảo, theo sông Hồng vào ném bom Hà Nội rồi thoát ra biển. Hai khẩu pháo của lực lượng tự vệ Nhà máy kết hợp với hai khẩu của Nhà máy Gỗ, một khẩu của Nhà máy Cơ khí Lương Yên thành trận địa 14,5mm do Trung úy Hoàng Minh Giám, cán bộ Bộ CHQS TP Hà Nội trực tiếp chỉ huy.

Đêm ấy, đến ca trực của tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, lực lượng chỉ có 5 người thuộc khẩu đội 1 có: Phạm Thị Viễn số 1, Đỗ Thị Dần số 2; khẩu đội 2 có Ngô Thị Hiếu số 1, Đặng Văn Sinh số 2 và Khẩu đội trưởng Thái Văn Quang. Chúng tôi tranh thủ củng cố trận địa, xác định sẵn các góc phương vị, độ cao, làm mọi việc chuẩn bị chiến đấu thật tốt. Khoảng 20 giờ 30 phút có báo động, máy bay địch cách Hà Nội 80km, anh em vào vị trí chiến đấu. Đến 21 giờ 30 phút thì báo động cấp 3, máy bay địch vào gần dần, từ 40km, 30km, rồi 20km... Theo đó thước tầm, độ hướng... cũng sẵn sàng. Lúc này đèn thành phố đã tắt, nhưng đó là một đêm lửa đạn ầm trời... Chúng tôi nhìn rõ từng khuôn mặt hốc hác của nhau cùng ánh mắt rực đỏ hướng về quân thù. Và chúng tôi đã lập công xuất sắc...". Năm 1989, ông Đặng Văn Sinh về nghỉ hưu. Thời gian đầu, ông đi nấu ăn cho nhà hàng, nhưng nhiều năm nay thì nghỉ hẳn.

Chị Phạm Thị Viễn, trực chiến trên trận địa pháo năm 1972. (Chụp lại từ ảnh tư liệu)

Chị Ngô Thị Hiếu, nhà ở tổ 111, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, năm nay 59 tuổi, da trắng, mặt tròn, răng đều như hạt ngô, ăn nói có duyên, dễ cảm... nhưng “Chỉ chiến thắng B-52 chứ không thắng đường chồng con” như cách nói của chị. Nay chị vẫn là “lính phòng không”. Năm 1971, chị là thợ nguội của Nhà máy Cơ khí Mai Động. Chị kể: "Tôi chưa trực tiếp chiến đấu trận nào nhưng được huấn luyện bắn các loại súng trường, súng ngắn, tiểu liên nên khi tham gia không hồi hộp lắm, mà chỉ mong bắn trúng máy bay. Đêm ấy, khi có lệnh bắn thì pháo đã có các thông số chính xác về kỹ thuật, tôi dập mạnh chân phải vào bàn cò, khẩu pháo rung lên, điểm xạ ngắn hết 5 viên…". Năm 1982, chị Hiếu sang Tiệp Khắc lao động xuất khẩu, sau đó về nước nghỉ theo chế độ. Hơn 10 năm nay chị mở cửa hiệu làm đầu để có thêm thu nhập...

Còn chị Phạm Thị Viễn vừa thấy chúng tôi đã rưng rưng nước mắt. Chị là con thứ hai trong một gia đình có 7 người con, người con cả đi bộ đội. Năm 1966, chị Viễn khai tăng thêm một tuổi cho đủ 17, để vào làm công nhân Nhà máy Cơ khí Mai Động. Trước đó, trong một trận máy bay Mỹ ném bom, chị Viễn bị một viên bi sượt qua cổ. Ai thương một thời con gái, quanh năm quấn khăn để giấu sẹo làm duyên. Rồi mẹ chị trên đường gánh rau ra chợ bán cũng gặp máy bay Mỹ ập đến, bà vừa chui vào một căn hầm chật hẹp thì có cháu bé vào theo, bà nhoài ra để nhường hầm cho cháu, không may bị một viên bi trúng đầu, bà mất khi người con út chưa đầy 4 tuổi. Từ đấy, chị Viễn phải phụ với bố để nuôi dạy 5 em. Cũng từ đây trong khẩu đội pháo phòng không 14,5mm, ở vị trí pháo thủ số 1 có một nữ thanh niên mặc áo xanh công nhân, đầu quấn khăn tang ngồi trực chiến.

 

Hệ thống tên lửa SAM 2. Ảnh tư liệu

Chị Viễn kể: "Đêm ấy, trong những cột khói và ánh lửa của bom đạn rung chuyển, tôi nghe rõ tiếng anh chỉ huy hô: “Các khẩu đội chú ý. Hướng 14, chuẩn bị... Một điểm xạ ngắn. Bắn”. Tôi nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay đen xì rẹt qua đầu, phần đuôi lóe sáng...". Cũng theo chị Viễn, sau chiến công nhiều đoàn khách từ Trung ương, thành phố, các nhà báo đến trận địa chúc mừng, tặng hoa và quà, cả khẩu đội vinh dự lắm. Nhưng đêm 26-12, một vệt bom B-52 khác đã đánh trúng làng Tương Mai, giết chết nhiều người trong đó có bố chị Viễn. Ông là đại biểu HĐND xã được phân công ở lại không đi sơ tán để trông coi địa bàn. Chiếc hầm ông trú là một hố bom sâu hoắm, ba ngày sau, gia đình mới tìm thấy một phần thi thể của ông...

Dịp ấy nhà thơ Tố Hữu cũng đến thăm trận địa, thấy một chiến sĩ gái ngồi trực trên mâm pháo đầu quấn dải khăn tang, xúc động ông viết 4 câu thơ về chị, trong bài “Việt Nam máu và hoa”: “... Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...”. Nhiều năm nay chị Phạm Thị Viễn tham gia công tác đường phố như: Tổ trưởng Đảng, Tổ phó dân phố, Tổ trưởng phụ nữ... Chị nhiều lần được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND quận Hoàng Mai khen thưởng.

Nguồn

Hướng dẫn chăm sóc cây

Bạn có thể thích

Ant Green
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn