Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ khi đội tàu sát thủ của tàu sân bay USS Guadalcanal bắt được tàu ngầm U-505 của Đức ở vùng biển ngoài khơi mũi Blanco thuộc Tây Phi. Trong ký ức của cựu thủy thủ Hans Goebeler còn in đậm hình ảnh tàu ngầm U-505. Kỷ niệm ngày nào vẫn khiến người đàn ông ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” trào dâng niềm xúc động.


Hans Goebeler.

Hans Goebeler sinh năm 1923, tại bang Hessian thuộc vùng Frankenburg, cách Frankfurt khoảng 75 dặm về phía đông bắc. Cha ông là một quan chức trong ngành đường sắt của Đức. Ông lớn lên với một niềm tin vững chắc vào sự chăm chỉ làm việc, năng lực bản thân và lòng yêu nước. Ngay từ khi còn trẻ, Goebeler đã thể hiện các khả năng cần thiết để có thể phục vụ cho đội tàu ngầm ưu tú của hải quân Đức.

Mối duyên của Goebeler - U-505

Khi Goebeler 15 tuổi thì châu Âu rơi vào Chiến tranh Thế giới II. Ngay lập tức ông đã làm đơn tình nguyện tham gia hải quân Đức. Bị từ chối vì còn quá trẻ nên ông chuyển sự tập trung của mình vào việc học. Goebeler đã hoàn thành xuất sắc chương trình học của mình, thể hiện là người có năng khiếu đặc biệt trong ngành cơ khí. Năm 17 tuổi, ông đã được cấp giấy phép lái xe và hoàn thành xong chương trình bốn năm học cơ khí động lực chỉ với thời gian bằng một nửa bình thường. Chỉ mười ngày sau khi nhận được giấy chứng nhận, ông đã được gia nhập hải quân Đức.


Hình ảnh mặt cắt của tàu U-505.

Vào thời điểm đó, Goebeler và những đồng nghiệp mới được tuyển dụng như ông không biết rằng họ đã được theo dõi và đánh giá rất cẩn thận trong quá trình đào tạo cơ bản. Goebeler rất tự hào khi được chọn để phục vụ cho đội tàu ngầm. Ông nhớ lại: “Lúc đầu, chúng tôi được đào tạo chủ yếu liên quan đến bộ binh chiến đấu. Sau đó, chúng tôi được chuyển đến trường đào tạo về tàu ngầm và học về tất cả các bộ phận trong một chiếc tàu ngầm. Tôi được đào tạo chuyên về cơ khí động lực, nhưng hải quân cũng đã cho tôi học cả các lớp chuyên về điện.

Nhờ đó mà tôi có thể làm việc được với cả động cơ diesel và động cơ điện trên tàu ngầm”.
Tàu ngầm U-505 được khởi công chế tạo tại xưởng đóng tàu Yard ở bang Hamburg của Đức vào ngày 12/6/1940, đúng vào lúc nước Pháp sụp đổ trước sự tấn công chớp nhoáng của quân đội Đức. Khi con tàu được hoàn thành vào tháng 8/1941 thì đội tàu ngầm lớp U của Đức đã đánh chìm hơn 8 triệu tấn hàng của quân đồng minh, và đội tàu này thay thế không quân Đức trở thành mối đe dọa đối với sự tồn vong của nước Anh. Tình hình ở Đại Tây Dương trở nên nghiêm trọng đến mức Mỹ, mặc dù về mặt chính thức vẫn trung lập trong cuộc chiến, đã cử tàu hộ tống các tàu chở hàng của quân đồng minh tới Anh. Các tàu hộ tống của Mỹ tấn công bất cứ tàu ngầm lớp U nào của Đức mà họ gặp. Đó là giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh khi tàu ngầm U-505 được chính thức đưa vào hoạt động cho hải quân Đức vào ngày 26/8/1941.


Khoang chứa ngư lôi của tàu U-505.

U-505 là một tàu ngầm lớn, loại IXc, có tầm nhìn xa mà Đô đốc Karl Dönitz, chỉ huy đội tàu ngầm lớp U, dự định sử dụng trên vùng ngoại vi Đại Tây Dương. Với chiều dài 77 m và trọng tải 1.232 tấn, con tàu được thiết kế để hoạt động chủ yếu trên mặt nước, chỉ lặn khi thật cần thiết trong lúc bị tấn công hoặc để tẩu thoát. Động cơ điện chạy bằng năng lượng ắcquy có thể đẩy con tàu đi với vận tốc 13 km/giờ khi lặn dưới nước, trong khi tàu có thể di chuyển với tốc độ tối đa 33km/giờ khi sử dụng động cơ diesel trên mặt nước. U-505 được trang bị súng 105 mm ở phía trước tháp chỉ huy và nạp được tối đa 22 quả ngư lôi. Thời gian sau, khi quân đồng minh dùng chiến thuật sử dụng máy bay tấn công các tàu ngầm Đức, khẩu súng trên boong của tàu U-505 được gỡ bỏ và thay thế bằng các vũ khí chống máy bay.

Chỉ huy đầu tiên của tàu U-505 là đại úy Axel Loewe được đào tạo chuyên nghiệp. Chính tác phong của ông đã truyền cảm hứng, sự tự tin cho 4 sỹ quan và 56 thành viên trong thủy thủ đoàn. Tên của thuyền trưởng, trong tiếng Đức có nghĩa là “Sư tử”, là nguồn cảm hứng cho phù hiệu đầu tiên của tàu U-505: Một con sư tử cầm rìu đang trong cơn thịnh nộ. Một lá chắn lớn mang biểu tượng mới của con tàu đã được sơn trên cả hai mặt của tháp chỉ huy, tượng trưng cho cá tính mạnh mẽ mang dấu ấn của Loewe trong thủy thủ đoàn.

Đến cuối năm 1941, sau khi huấn luyện và chạy thử nghiệm tại biển Baltic, tàu ngầm U-505 và thủy thủ đoàn đã vượt qua bài kiểm tra cuối cùng, sẵn sàng đi vào hoạt động. Ngư lôi được nạp đầy trên boong tàu, và tàu ngầm U-505 bắt đầu được triển khai ở khu vực chiến sự.

Goebeler đến nhận nhiệm vụ tại tàu U-505 hai tuần trước khi con tàu khởi hành chuyến đầu tiên. Goebeler ngạc nhiên khi biết rằng thuyền trưởng Loewe đã chọn ông làm việc trong phòng điều khiển chứ không phải là thợ máy, như ông đã được đào tạo. U-505 là con tàu duy nhất đi cùng với Goebeler trong suốt cuộc chiến, đến khi cả ông và con tàu bị hải quân Mỹ bắt giữ.

Rong ruổi cùng U-505

Chuyến tuần tra đầu tiên không chỉ thử thách lòng can đảm mà còn thử thách cả sức khỏe của Goebeler. Do nhỏ bé và trẻ tuổi hơn đồng nghiệp nên Goebeler đã phải làm việc chăm chỉ gấp đôi để đạt được hiệu suất làm việc như các thành viên dày dạn kinh nghiệm trong thủy thủ đoàn. Goebeler chia sẻ: “Thời gian đầu tôi bị say sóng do chưa thích nghi kịp.


Đại đô đốc Erich Raeder và Đô đốc Karl Donitz chúc mừng thủy thủ đoàn U-505 sau chuyến hành trình đầu tiên.

Trong chuyến đi đầu tiên, chúng tôi đã gặp phải thời tiết rất xấu. Nhưng bất chấp tình trạng sức khỏe, trách nhiệm của tôi là không được để xảy ra bất cứ sai sót nào trong phòng điều khiển. Ngay cả khi sóng biển dâng lên cuồn cuộn, con tàu nghiêng 30o từ bên này sang bên kia thì tôi càng cần phải làm mọi việc thật hoàn hảo, nếu không con tàu có thể bị đánh chìm. Trong trường hợp này, tôi thấy mình đã may mắn, vì khi bạn bắt đầu mọi thứ một cách khó khăn thì đó chính là tiền đề giúp mọi việc sau này trở nên dễ dàng hơn”.


Một tàu ngầm lớp U của Đức đang bị quân Đồng minh tấn công.

Chuyến tuần tra đầu tiên của tàu U-505 kéo dài từ ngày 11/2 đến ngày 7/5/1942 tới bờ biển Tây Phi gần thủ đô Phritao của Xiêra Lêôn. Con tàu hoạt động như một con sói đơn độc, băng qua các tuyến đường biển để tìm kiếm các tàu cung cấp lương thực và đạn dược cho quân Đồng minh, dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Erwin Rommel ở Bắc Phi.
Thủy thủ đoàn của tàu U-505 mong muốn trở lại Lorient với lá cờ chiến thắng treo trên tháp chỉ huy đã không phải đợi lâu. Tối 5/5, họ phát hiện tàu Ben Mohr của Anh chở 6.000 tấn hàng hướng tới Phritao mà không có tàu hộ tống. Bắn 3 quả ngư lôi, U-505 đã hoàn thành nhiệm vụ tìm và diệt mục tiêu đầu tiên. Vài tuần sau đó, U-505 sử dụng số ngư lôi còn lại để tấn công hai tàu vận tải và một tàu chở dầu, đánh chìm tổng cộng 26.000 tấn hàng của quân Đồng minh.


Đội tàu ngầm lớp U của Đức.

Chuyến tuần tra của tàu U-505 cũng gặp phải những khoảnh khắc nguy hiểm. Con tàu liên tục bị máy bay của quân Đồng minh quấy nhiễu và các tàu hộ tống, các thành viên thủy thủ đoàn đã phải hứng chịu một số vụ tấn công tàu ngầm bằng bom. Trục trặc kỹ thuật đã làm cho con tàu mất thăng bằng trước khi thuyền trưởng Loewe xử lý kịp thời và cho tàu lặn xuống, thoát khỏi cuộc tấn công của máy bay Short Sunderland của không quân Anh.

Lễ chào mừng tàu U-505 trở về an toàn được tổ chức tại Lorient, mang một ý nghĩa lớn vì lực lượng máy bay Đồng minh rình rập các tàu tuần tra Đức ở Vịnh Biscay ngày càng đông và nơi đây được biết đến như mồ chôn của các tàu ngầm Đức. Các thành viên trong thủy thủ đoàn tự hào về chuyến đi đầu tiên thành công và rất háo hức mong chờ các chuyến đi tiếp theo. Đích thân Đô đốc Dönitz đã đến thăm và chúc mừng thủy thủ đoàn tàu U-505.

Trong chuyến tuần tra tiếp theo, Đô đốc Dönitz đã quyết định cử tàu U-505 tới những khu vực “săn bắn màu mỡ” ở vùng biển Caribê. Ngày 7/6/1942, đúng một tháng sau khi trở về từ chuyến tuần tra đầu tiên, U-505 xuất phát hướng về vùng biển nước Mỹ. Thuyền trưởng Loewe điều khiển con tàu chạy qua Đại Tây Dương, di chuyển hầu như trên mặt nước, sử dụng động cơ diesel. Các tàu hộ tống của phe Đồng minh vẫn chưa được triển khai, và thủy thủ đoàn cảm thấy đủ an toàn để đi dạo trên boong tàu, tắm nắng, và tổ chức một bữa tiệc ngoài trời.

Tuy nhiên, không khí chiến sự đã trở lại khi tàu tiến đến gần vùng biển Caribê. Ngày 28/6, trong lúc đang tắm nắng buổi chiều thì các thành viên thủy thủ đoàn nhìn thấy một tàu chở hàng lớn của Mỹ. Loewe đã cho tàu U-505 di chuyển về phía trước và bắn hai quả ngư lôi về phía con tàu chở 6.900 tấn hàng. Loewe đã nhân đạo chờ đến khi thủy thủ đoàn của tàu hàng sơ tán lên thuyền cứu sinh mới bắn quả ngư lôi thứ ba làm cho con tàu bị chìm.
Ngày hôm sau, U-505 tiếp tục gặp may khi thủy thủ đoàn phát hiện thấy tàu Thomas McKean của Mỹ chở 7.400 tấn hàng. Một lần nữa, Loewe đã bắn hai quả ngư lôi đôi để chặn con tàu và đợi các thủy thủ di tản trước khi kết liễu bằng súng gắn trên boong tàu.
Đối với Goebeler, cuộc tấn công vào tàu Thomas McKean là một trong những cuộc tấn công ấn tượng nhất. Người thủy thủ già nhớ lại: “Một số thuyền viên của tàu chở hàng bị thương, vì vậy chúng tôi đã cho thuốc và hướng dẫn họ đến nơi an toàn. Rất nhiều người nghĩ rằng, những thuyền viên Đức không hề có chút thương cảm khi nhìn thấy những con tàu khác bị chìm. Nhưng nếu có cơ hội, chúng tôi đều cố gắng giúp họ vì họ cũng là con người. Về sau, khi bị máy bay tấn công, chúng tôi không thể nhìn lại xung quanh sau khi bắn ngư lôi vào các con tàu chở hàng. Khi chiến tranh kết thúc, tôi đã tham dự một số cuộc hội ngộ với kẻ thù cũ. Tất cả chúng tôi đều khóc và ôm chầm lấy nhau như anh em. Chúng tôi không bao giờ ghét người Mỹ, chúng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ được giao, giống như các chàng trai trên những con tàu đi săn tìm chúng tôi”.

Ngày 22/7, một sự cố đã xảy ra khiến Axel Loewe kết thúc nhiệm kỳ thuyền trưởng tàu U-505. Một sỹ quan dưới quyền đã nghe nhầm hiệu lệnh của ông và bắn vào một tàu lạ không treo cờ, khiến Côlômbia, nước sở hữu con tàu lạ trên, tuyên chiến với Đức.

Người kế nhiệm Loewe là Peter Zschech, một sỹ quan được Jochen Mohr đào tạo và có thành tích đánh chìm hơn 100.000 tấn hàng của quân Đồng minh. Từ đây, số phận của tàu U-505 bước sang một trang mới.

Đoạn kết của tàu U-505

Ngày 4/10/1942, trong chuyến tuần tra thứ ba, con tàu U-505 một lần nữa hoạt động như một con sói đơn độc trong khu vực xung quanh Triniđát và Tôbagô. Quan hệ giữa thuyền trưởng và các thành viên trong thủy thủ đoàn trở nên tồi tệ hơn do tính hách dịch của thuyền trưởng Zschech thể hiện ngày càng rõ nét. Ngay cả sự thành công liên tiếp của tàu U-505 trước các tàu chở hàng của quân Đồng minh cũng không giúp cải thiện được tình hình.


Tàu U-505 cập cảng Mỹ sau khi bị bắt.

Sau nhiều tuần liên tục bị máy bay không quân Anh từ căn cứ ở Triniđát quấy nhiễu, trưa 10/11, các sỹ quan cảnh giới đã cảnh báo về tình trạng mây phủ u ám mà trước kia thuyền trưởng Loewe vẫn gọi là “thời tiết hoàn hảo cho các cuộc đột kích bằng máy bay” và đề nghị thuyền trưởng Zschech đề phòng, song Zschech đã phản ứng một cách giận giữ vì không muốn các thuyền viên so sánh ông với vị thuyền trưởng trước.

Quả nhiên sau đó đã xảy ra một cuộc đột kích bằng máy bay. Tàu U-505 đã bị một quả bom đánh trực tiếp, làm cho con tàu gần như bị xé làm đôi. Chiếc máy bay thực hiện cuộc tấn công cũng bị phá hủy bởi vụ nổ. Trước tình hình trên, thuyền trưởng Zschech đã ra lệnh từ bỏ con tàu, song tất cả thành viên thủy thủ đoàn quyết tâm cứu con tàu khỏi bị chìm.


Tàu U-505 trưng bày tại Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp Chicago.

U-505 là một con tàu may mắn, mặc dù đó là một trong những tàu ngầm Đức bị hư hại nặng nhất trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ II. Con tàu đã phải trải qua sáu tháng sửa chữa mới có thể sẵn sàng cho các nhiệm vụ tiếp theo. Tuy nhiên, thiệt hại của tàu U-505 là rất nhỏ so với sự suy sụp tinh thần của Zschech. Trong thời gian tàu U-505 trở về căn cứ để sửa chữa, một số bạn bè thân thiết của Zschech đã thiệt mạng trong chiến tranh. Tin đồn xấu từ các sĩ quan về năng lực cũng như sự dũng cảm của ông càng khiến ông bị khủng hoảng trầm trọng. Trong chuyến tuần tra thứ sáu của tàu U-505, Zschech đã tự kết liễu đời mình đúng vào thời điểm con tàu đang bị quân Đồng minh tấn công dữ dội bằng bom chống tàu ngầm. Sau khi U-505 thoát khỏi cuộc tấn công, thủy thủ đoàn đã thủy táng thi thể của thuyền trưởng Zschech trên biển và đưa tàu quay trở lại căn cứ ở Lorient.

Thuyền trưởng thứ ba và là vị thuyền trưởng cuối cùng của tàu U-505 là Đại úy hải quân Harold Lange, một người nhiều tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong đội quân phòng bị, được chọn lọc kỹ càng từ cơ quan chủ quản của đội tàu lớp U.

U-505 tiếp tục lên đường, khởi hành từ Lorient ngày 20/12/1943. Khi đến vịnh Biscay, thủy thủ đoàn đã phát hiện một trận chiến giữa các tàu tuần dương Anh với một lực lượng nhỏ tàu khu trục cùng với tàu phóng ngư lôi của Đức. Tàu U-505 đã chiến đấu và giải cứu được 34 thuyền viên trên tàu phóng ngư lôi T-25 của Đức, bao gồm cả thuyền trưởng.

Ngày 16/3/1944, con tàu rời cảng Brest để tới Freetown, Tây Phi. Đây cũng là chuyến tuần tra cuối cùng của tàu U-505. Ngày 4/6/1944, các thủy thủ tàu U-505 phát hiện lỗi ở chân vịt tàu. Khi Lange đưa kính tiềm vọng lên để kiếm tra thì cảnh tượng ông nhìn thấy thật đáng sợ: U-505 đang ở giữa một nhóm đặc nhiệm chuyên săn tàu ngầm được hộ tống bởi tàu sân bay và đang bị ba tàu khu trục cùng rất nhiều máy bay tấn công. Ông cho tàu ngay lập tức lặn xuống, nhưng đã quá muộn bởi quân đội Mỹ tấn công dữ dội bằng bom chống tàu ngầm.

Goebeler nhớ lại: “Tôi đã đi tới phía sau kính tiềm vọng và leo lên trên boong tàu, giúp bốn người khác lấy được chiếc bè rộng. Các tàu khu trục và máy bay bắn liên tục vào quanh khu vực tàu của chúng tôi, làm cho chúng tôi phải cố gắng bơi càng nhanh càng tốt. Con tàu đã nhanh chóng lặn, nhưng phía đầu tàu và tháp chỉ huy vẫn còn trên mặt nước.

“Chúng tôi đã bị các tàu khu trục bắt và giao lại cho đội tàu sân bay. Họ nhốt chúng tôi ở ngay dưới bãi đáp máy bay. Nhiệt từ động cơ của tàu sân bay thật khủng khiếp, khiến chúng tôi bị giảm khoảng 10 - 15 kg do đổ quá nhiều mồ hôi. Sau đó, họ mới đưa chúng tôi đến Bécmuđa khoảng sáu tuần. Tiếp đó, chúng tôi được chuyển tới Louisiana và gửi đến một trại tù binh chiến tranh đặc biệt. Chúng tôi bị bắt làm việc ở trong các trang trại khai thác gỗ ở Louisiana cho đến năm 1945 thì bị chuyển giao cho quân đội Anh và đến tháng 12/1947 thì được thả” - Goebeler nhớ lại.

Tàu ngầm U-505 ngày nay được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp Chicago. Hàng năm có hơn nửa triệu du khách tới tham quan và ngắm nhìn dấu tích ở tháp chỉ huy của con tàu.

Còn Hans Goebeler hiện sống ở trung tâm Florida cùng với vợ và con gái. Cuộc sống của ông khá giản dị với một cửa hàng bán cà phê. Cửa hàng của ông được trang trí bằng hình ảnh của các thuyền trưởng của tàu U-505. Ông hồi tưởng lại những ngày tháng gắn bó với con tàu U-505 với đôi mắt ánh lên sự xúc động về một con tàu với nhiều biến cố.

Nguồn

Hướng dẫn chăm sóc cây

Bạn có thể thích

Ant Green
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn