Trong vòng ba ngày sau thủ thuật, kẻ tịnh thân sẽ không được uống nước và âm thầm chịu đựng đau đớn vì nhát cắt hãi hùng ở vùng kín. Đó là quãng thời gian khốn cùng, khủng khiếp mà bất kỳ ai muốn ôm mộng hoạn quan phải nếm trải.


Ảnh minh họa

Thái giám hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, như: yêm nhân, hoạn quan, tự nhân, công công, thị nhân, nội giám…Họ là những người khá đặc biệt trong chốn cung đình. Nhắc đến thái giám, hẳn hậu thế sẽ dễ dàng mường tượng ra ngoại hình đặc trưng của họ: mày râu nhẵn nhụi, không yết hầu, giọng nói mảnh nhỏ lảnh lót như đàn bà, hành động cử chỉ cũng mất đi khí tiết đặc trưng của cánh mày râu. Nói cách khác, hoạn quan vì những đặc điểm dị biệt trên thân thể mình, trở thành kẻ “trung tính” trong xã hội. Kể từ thời Đông Hán, triều đình phong kiến Trung Quốc mới sử dụng rộng rãi những yêm nhân này, bởi số lượng phụ nữ trong chốn hoàng cung nội đình khi ấy tương đối nhiều, từ hoàng thái hậu, thái phi, tới hoàng hậu, phi tần, cung nữ.

Những nam nhi bình thường, muốn trở thành thái giám đều phải trải qua cửa ải đầu tiên, ấy là chấp nhận cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình. Và công đoạn hãi hùng đó được gọi là “tịnh thân”. Sau khi bị hoạn, họ sẽ biến mình thành những kẻ “lục căn bất toàn”.

Nếu trước đó, quá trình tịnh thân của hoạn quan Trung Quốc không được ghi chép rõ ràng, cụ thể, thì tới nhà Thanh, công đoạn này đã được đề cập đến trong một số tư liệu lịch sử. Vào năm Quang Tự, ở Bắc Kinh xuất hiện những người chuyên hành nghề hoạn, ấy là “tiểu đao Lục”  và “Tất ngũ”, còn được biết đến với tên gọi khác nghe có phần thuận tai hơn là “đao tử tượng” hoặc “tịnh thân sư”. Hằng năm, họ phân thành bốn lượt, mỗi lượt đều dâng cho tổng quản Nội vụ phủ những trẻ trai đã tịnh thân. Đó là nghề kiếm cơm của họ.

thaigiam11_kienthuc.net.vn.jpg

Những “thủ tục” tịnh thân đều do đám “đao phủ” này bao thầu, đảm trách. Cha mẹ hoặc người đại diện của kẻ bị hoạn sẽ cùng tịnh thân sư lập ra một bản giao kèo, giống như hợp đồng ngày nay, mà thời ấy gọi là văn thư. Để mọi chuyện trở nên minh bạch, rõ ràng, họ phải mời tới ba người già và bốn người trẻ làm chứng, rồi viết rõ nguyện vọng muốn tịnh thân của mình và không được gây khó dễ về chuyện sống chết sau màn “yêm cát”. Tới khi viên hoạn quan trở nên danh giá, uy quyền, sẽ phải đền đáp công lao của “đao tử tượng” sao cho thật hậu hĩnh.

Trước khi tiến hành tịnh thân, sẽ có màn giao dịch ngầm, kèm theo đó là hai loại giá được đem ra mà “cân đo đong đếm”. Một loại là giá bảo đảm mạng sống, loại nữa là không màng tới sống chết, chỉ lo phần hoạn.

thaigiam12_kienthuc.net.vn.jpg

Theo ghi chép của “Thần thản tạp thức” thời Thanh, kẻ tự nguyện tịnh thân, buộc phải do một thái giám có địa vị trong cung tiến cử, rồi dựa vào người làm chứng để lập ra “Hôn thư giá” đưa vào hoàng cung. “Hôn thư” này phải xuất phát từ sự tự nguyện thì mới được mời “đao tử tượng” tới để hành sự. Sau khi công đoạn chuẩn bị đã xong xuôi, họ sẽ chọn ngày lành tháng tốt, nhốt người tịnh thân vào một phòng kín gió và tiến hành vệ sinh chất thải cho kẻ đang ấp ủ giấc mộng hoạn quan.

Trong thời gian này, người tịnh thân tuyệt đối không được ăn uống, để vết thương tránh bị nhiễm trùng bởi chất phóng uế sau khi đã cắt bỏ bộ phận sinh dục. Sau ba bốn ngày, màn “yêm cát” sẽ chính thức diễn ra.

Loại “yêm đao” dùng để cắt bỏ bộ phận sinh dục được làm từ hợp kim vàng và đồng, có công dụng chống nhiễm trùng. Trước ca thủ thuật, người bị thiến sẽ được bịt kín hai mắt, bị trút bỏ y phục, trói chặt tay chân, khiến cơ thể ở thế chữ “đại” (大). Ngoài ra, còn có người giữ chặt đầu, hai vai và bụng anh ta, tránh cho “khổ chủ” vì đau đớn mà giãy giụa, khiến máu tuôn lênh láng tới nỗi mất mạng.

Lúc này, tịnh thân sư sẽ lên tiếng hỏi: “Là do ngươi tự nguyện tịnh thân?”, người bị hoạn sẽ khẳng định: “Đúng vậy”. Lại tiếp: “Nếu có ý hối hận, giờ hãy còn kịp!”, “Không hề!”, kẻ tịnh thân trả lời. Sau màn kẻ hỏi, người đáp, viên thái giám đóng vai trò giới thiệu, tiến cử, sẽ đọc lại lần nữa bản “Tự nguyện yêm cát thư”. Trong giây phút ấy, nếu người bị hoạn tỏ ý không tự nguyện, thậm chí có chút do dự, “đao tử tượng” sẽ phải lập tức cởi trói cho anh ta, rồi phẩy tay ra hiệu để đối phương tự động rời khỏi hiện trường. Ngược lại, nếu người này một mực giữ thái độ kiên quyết, thì thủ thuật sẽ bắt đầu được tiến hành.

“Yêm cát” thời nhà Thanh cũng lắm công phu, tỉ mỉ. Trước tiên, người ta sẽ quấn chặt vải trắng hoặc băng quanh bụng dưới và hai đùi của kẻ bị hoạn, dùng dây buộc liên tục tinh hoàn, rồi dùng gậy trúc đánh vào chân và mông thật lâu khiến “khổ chủ” trở nên tê buốt, mất hết cảm giác. Sau đó, người bị hoạn sẽ được nhét vào miệng một quả trứng gà luộc đã bóc vỏ, tránh trường hợp vì quá đau đớn mà cắn phải lưỡi. Tiếp đó, vùng sẽ bị thiến của thái giám được rửa cẩn thận bằng nước ngâm ớt, rồi cả tinh hoàn lẫn dương vật sẽ bị cắt đứt bằng con dao nhỏ nhẹ cong như hình lưỡi liềm. Sau khi thiến xong, người ta sẽ dùng kim bạch lạc (sáp trắng) cắm vào niệu đạo thành nút. Vết thương sẽ được che đậy bằng mảnh giấy đã ngâm qua nước lạnh, rồi băng lại cẩn thận.

Xong xuôi những khâu trên, kẻ bị hoạn sẽ được hai “đao tử tượng” đỡ dậy, đi lại chầm chậm trong phòng chừng hai ba thời thần (mỗi thời thần tương đương hai tiếng đồng hồ ngày nay), rồi mới cho phép nằm xuống nghỉ ngơi.

Trong vòng ba ngày sau thủ thuât, người tịnh thân sẽ không được uống nước. Chính vì khát khô, lại thêm thương tích, nên anh ta phải chịu đau đớn khôn cùng trong khoảng thời gian cùng cực ấy. Ba ngày sau, kẻ bị hoạn sẽ được nhổ bỏ cái nút kia, nước tiểu cứ thế mà tuôn ra. Đó cũng là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ vụ “yêm cát” đã thành công viên mãn. Nếu mọi chuyện không được như vậy, cũng có nghĩa, người ấy chỉ còn nước chờ chết, không một ai có thể ra tay cứu giúp. Sau thủ thuật khoảng 100 ngày, vết thương ở vùng kín của thái giám sẽ lành hẳn. Và đó chính là quá trình khổ cực mà cũng không kém phần hãi hùng để tạo nên một nô tài được gọi là hoạn quan cho cung đình nhà Thanh xưa.

thaigiam13_kienthuc.net.vn.jpg

Lại nói về bộ phận sinh dục đã cắt bỏ của thái giám, thứ ấy sẽ không bị quẳng đi trong quên lãng, ngược lại rất có giá trị. Các tịnh thân sư sẽ cất giữ nó như một thứ bảo bối. Trước tiên, người này sẽ chuẩn bị sẵn một chiếc thăng – dụng cụ đựng đồ bằng 1/10 của đấu , rồi sắp xếp những phần bị cắt bỏ của thái giám sao cho ngay ngắn, dùng vôi hút sạch nước mô ở “của quý”, khiến chúng không bị thối rữa. Tiếp đó, tịnh thân sư sẽ dùng giấy dầu gói chúng lại cẩn thận, đặt vào trong đấu rồi bọc kín miệng đấu bằng vải đỏ và treo đấu trên xà, ngay dưới nóc nhà. Việc này được gọi là “Hồng bộ cao thăng”, có ý cầu chúc cho kẻ tịnh thân sẽ đỏ vận trong tương lai, từng bước thăng tiến trên con đường đua tranh quyền lực.

Nguồn

Hướng dẫn chăm sóc cây

Bạn có thể thích

Ant Green
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn