Tháng 2/1968, sau 9 năm thành lập, lần đầu tiên xe tăng quân ta xuất hiện trên chiến trường đã gây ra sự bất ngờ lớn cho Mỹ - Ngụy.

bo-doi-tang-thiet-giap-mua-he-nong-bong-1972-0.jpg

Đội hình tăng T-54 của Trung đoàn 201 tháng 3/1972

Trận Làng Vây - Thay đổi học thuyết xe tăng

Kỳ tích vượt Trường Sơn

Năm 1968, bước vào chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, lực lượng Tăng – Thiết giáp lần đầu tiên ra trận sau gần 10 năm ra đời (5/10/1959, Binh chủng Tăng – Thiết giáp ra đời với sự kiện Trung đoàn xe tăng 202 được thành lập).

Ngày 5/8/1967, Tiểu đoàn 198 thuộc Trung đoàn 203 được lệnh vào Nam chiến đấu. Tiểu đoàn 198 gồm 2 đại đội (đại đội 3 và 9) trang bị 22 xe tăng lội nước PT-76.

Ngày 14/10/1967, Tiểu đoàn 198 từ Lương Sơn – Hòa Bình bắt đầu hành quân vào Nam theo đường Trường Sơn. Để đảm bảo yếu tố bất ngờ trong lần đầu tiên ra trận của các xe tăng, công tác ngụy trang trong hành quân rất được chú trọng.

Đoàn tiền trạm của Tiểu đoàn 198 đi chuẩn bị cho trận Tà Mây – Làng Vây .

Theo lời kể của Đại tá Lê Xuân Tấu, nguyên là trưởng xe 555 thuộc Đại đội 3: “Đơn vị di chuyển chủ yếu vào ban đêm bằng đèn gầm có lắp thêm thiết bị hạn chế ánh sáng. Những đêm mù sương, các trưởng xe phải đi bộ trước mũi xe, khoác dù trắng dẫn đường. Các kíp xe phải dùng cành cây tươi phủ lên ống xả, vừa ngăn được tiếng ồn, vừa tránh bụi lửa phóng ra từ ống xả để tránh máy bay địch phát hiện”.

Không những lo đối phó với máy bay địch đánh phá, vấn đề bảo đảm kỹ thuật cũng là mối lo thường xuyên. Đường Trường Sơn địa hình phức tạp với dốc cao, suối sâu khiến máy móc bị hao mòn nhanh chóng.

Theo thiết kế, một bộ xích xe tăng chỉ cho phép chạy được từ 400-500 km đường tốt. Trong khi đó, quãng đường hành quân dài gần 1.000km. Để khắc phục, các kíp xe đã đảo xích bên phải sang bên trái và ngược lại, đồng thời, lắp xen kẽ mắt xích lành với mắt xích hỏng để đảm bảo hành quân. Tuy nhiên, sau khi tới đích, Đại đội 3 phải thay 84% bánh chịu nặng, 44% mảng xích. Còn Đại đội 9 đã thay 95% bánh chịu nặng và 80% mảng xích.

Sau 50 ngày đêm hành quân dưới bom đạn đánh phá ác liệt của địch, tiểu đoàn đã đến các điểm tập kết. Đại đội 3 vượt 813 km tập kết ở Nậm Khang, Đại đội 9 vượt 1.438 km tập kết ở ngã ba Mường Noọng, phía nam đường 9.

Vượt Trường Sơn dưới làn bom đạn địch đã khó khăn, song giữ được bí mật về sự xuất hiện của xe tăng ở chiến trường trước một đối thủ có nền khoa học kỹ thuật cao với các phương tiện trinh sát hiện đại như Mỹ thì quả là Tiểu đoàn 198 đã lập được một kỳ tích.

Thay đổi học thuyết xe tăng

Lần đầu xuất hiện tại chiến trường, đơn vị xe tăng 198 được giao nhiệm vụ hiệp đồng với bộ binh tiêu diệt địch tại căn cứ Làng Vây – một tiền đồn của Khe Sanh.

Theo lý luận chiến đấu của xe tăng ở Liên Xô, khoảng cách cho phép tập kết của xe tăng đến mục tiêu gần nhất 30 km nhằm tránh tầm bắn của pháo binh địch. Tuy nhiên, về Việt Nam, để khai thác yếu tố bất ngờ, chiến sĩ xe tăng ta đã táo bạo đưa xe tăng vào cách Làng Vây 5-6 km.

Trong tập hồi ức “Theo vết xích xe tăng”, Đại tá Lê Xuân Tấu viết: “Sự sáng tạo trong vận dụng chiến thuật còn được biểu hiện ở chỗ đưa xe tăng vào chiếm lĩnh khu vực tập kết chiến đấu rất gần địch (khoảng 6km theo đường chim bay trên hướng Đại đội 3).
So với lý luận chúng tôi được học thì khoảng cách tập kết cho phép cách địch 30km. Có nghĩa là Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9 đã ở vào vị trí tập kết chiến đấu trong tầm đạn pháo địch…. Có thể nói đây là sự vận dụng sáng tạo mang tính táo bạo".

Xe tăng lội nước PT-76.

"Nếu ta không làm tốt công tác nguỵ trang giữ bí mật, để địch phát hiện thì ta khó bảo toàn được lực lượng trước khi bước vào chiến đấu. Song tiếp cận gần địch, ta có lợi thế là rút ngắn được thời gian và khoảng cách cơ động lên chiếm tuyến triển khai xung phong, hạn chế được thương vong tổn thất do hoả lực không quân, pháo binh địch đánh phá, ngăn chặn”, Đại tá Lê Xuân Tấu viết.

Khu vực tập kết là những quả đồi không có bóng cây, chỉ bạt ngàn cỏ tranh. Để giấu xe, chiến sĩ ta đã đào công sự cho xe tăng ẩn nấp rồi dùng các sọt trồng cỏ tranh được tưới nước hàng ngày để ngụy trang lên trên. Nhờ thế, hàng chục chiếc xe tăng của ta nằm chình ình trên đồi hơn chục ngày chờ giờ nổ súng mà máy bay địch bay qua bay lại hàng ngày vẫn không hay biết.

Tiêu diệt Làng Vây

Cứ điểm Làng Vây là một tiền đồn của của căn cứ Khe Sanh nằm trên đường 9. Tại đây có 4 đại đội Ngụy quân cùng với một số sĩ quan Mỹ chỉ huy, được trang bị hỏa lực rất mạnh gồm nhiều pháo cối, pháo khôn giạt ĐKZ, súng phóng lựu M-79, súng chống tăng M-72.

Trước khi ta nổ súng đánh vào Làng Vây, quân địch tăng lên 900 người do có hơn 300 lính Hoàng gia Lào bị quân ta đánh ở Huội San chạy về đây.

Về phía ta, lực lượng đánh vào Làng Vây có Trung đoàn bộ binh 24, 2 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn pháo và 2 đại đội đặc công cùng với Tiểu đoàn 198 mới vào chiến trường. Trận đánh bắt đầu lúc 23h30 ngày 6/2/1968.

Sau loạt đạn của pháo binh bắn chế áp mục tiêu, các mũi tiến công xông lên tấn công cửa mở từ 3 hướng. Ở hướng Tây và Nam, xe tăng lần đầu xuất hiện đã tỏ rõ giá trị đột kích của nó. Các hàng rào trước đây bộ binh phải vất vả mở bằng bộc phá thì nay chẳng khác gì mạng nhện với xe tăng. Các lô cốt hoặc bị hỏa lực của pháo từ xe tăng bắn sập hoặc bị xe lao vào húc đổ, dùng xích sắt nghiền nát.

Nhờ sức đột kích lớn của xe tăng, đến 1 giờ ngày 7/2, các cánh quân ta đánh vào đến trung tâm cứ điểm và nhanh chóng đánh chiếm nốt các khu vực còn lại. Đến sáng ngày 7/2, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Làng Vây, diệt và bắt sống toàn bộ quân Mỹ - Ngụy và Lào chốt giữ ở đây.

Tượng đài chiến thắng Làng Vây.

Trong lần đầu tham chiến, chiến thuật được bộ đội tăng của ta sử dụng là bố trí nhiều thê đội yểm trợ lẫn cho nhau. Hồi ức của Đại tá Lê Xuân Tấu viết: “Đội hình chiến đấu được xếp thành nhiều thê đội, Trung đội do tôi chỉ huy có nhiệm vụ đánh bóc vỏ vị trí tiền tiêu của địch trên điểm cao 230, được hoả lực của trung đội tiến sau yểm hộ.
Khi đại đội thực hành đột phá mở cửa thì trung đội tôi từ vị trí vừa chiếm được lệnh chi viện hoả lực cho đại đội dẫn dắt bộ binh xung phong đột phá, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu bên trong cứ điểm và tập trung phối hợp với hướng Đại đội tăng 9, nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy địch.

Như vậy, đội hình tiến công của Đại đội 3 và cả Đại đội 9 được tổ chức sắp xếp theo thứ tự: trung đội (hoặc xe) đánh phía trước, trung đội (hoặc xe) tiến sau chi viện hoả lực. Cách xếp đội hình chiến đấu như trên theo tôi rất cơ bản, rất hiệu quả. Đó là kinh nghiệm thành công để bộ đội thiết giáp nghiên cứu, vận dụng trong nhiều trận tiếp sau”.

Đánh giá về trận Làng Vây, Đại tá Dương Đằng Giang -  Tham mưu trưởng binh chủng Tăng – Thiết giáp thời điểm đó viết: “Trận Làng Vây - trận đầu đánh thắng của bộ đội xe tăng trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh vào tuyến phòng thủ rắn nhất của Mỹ-Nguỵ đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, có tính lịch sử. Trận đánh đã giải toả tư tưởng và nỗi băn khoăn về vị trí và sử dụng xe tăng trên chiến trường Việt Nam, mở ra một trang sử mới: "Đã ra quân là đánh thắng" của Binh chủng Tăng - Thiết giáp”.

Một xe tăng đánh bại cả tiểu đoàn Ngụy

Tháng 3/1971, lần đầu tiên quân ta bắt sống 1 đại tá quân địch trên chiến trường. Tuy nhiên, ít người biết trong chiến công này, quân ta chỉ với 1 chiếc xe tăng đã làm nên lịch sử.

Cứ điểm 31

Mùa khô 1970-1971, quân Ngụy tiến hành một bước phiêu lưu quân sự. Lúc này, quân Mỹ đã và đang rút dần ra, thay vào đó, người Mỹ bơm tiền và phương tiện chiến tranh nhằm xây dựng quân Ngụy mạnh lên, đủ sức đương đầu với quân Giải phóng.

Để kiểm nghiệm kết quả của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giới chức Mỹ - Ngụy chủ trương mở một chiến dịch tấn công quân giải phóng. Chúng lựa chọn khu vực tiến công là vùng hạ Lào, nơi biết chắc chắn đó là những căn cứ hậu cần lớn của đoàn 559.

Tháng 2/1971, quân Ngụy huy động 3 sư đoàn cùng nhiều lữ đoàn, trung đoàn cùng hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ yểm trợ, mở cuộc tấn công nhằm vào trung tâm hậu cần của quân giải phóng Việt Nam tại Xê-Pôn.

Quân Ngụy ở Khe Sanh đang chờ trực thăng bốc đi trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, ngày 8/2/1971.

Để thực hiện kế hoạch, Mỹ - Ngụy hô hào Bắc tiến và ồ ạt chuyển quân ra Đông Hà (Quảng Trị) để nghi binh. Ngày 8/2, các đơn vị thiết giáp, lính dù của quân Ngụy bắt đầu tiến về Bản Đông (trên đất Lào), mở đầu cuộc hành quân “Lam Sơn 719”.

Theo kế hoạch của Mỹ - Ngụy, ngày 8/2 chúng sử dụng chiến đoàn đặc nhiệm xuất phát từ Tà Bạt, tiến quân dọc theo đường Đường 9 về phía Tây hỗ trợ cho 1 tiểu đoàn nhảy dù chiếm mục tiêu A-lưới (Bản Đông) và thiết lập căn cứ hoả lực tại đây.

Đồng thời, Lữ đoàn dù 3 được trực thăng đổ xuống chiếm các khu vực cao điểm 30-31 (Điểm cao 450-543) phía Bắc đường 9 và thiết lập các căn cứ hoả lực để hỗ trợ mặt Bắc cho cánh quân cơ giới.

Hồi ký “Chiến trường mới” của Thượng tướng Nguyễn Hữu An cũng xác nhận: “Bảo vệ cánh bắc của địch gồm Lữ đoàn dù 3 và Liên đoàn Biệt động quân 1. Chúng đã được cơ động bằng trực thăng đổ quân chiếm các điểm cao và thiết lập các căn cứ hỏa lực như sau: Tiểu đoàn Biệt động quân 39 chiếm điểm cao 500; Tiểu đoàn Biệt động quân 21 chiếm điểm cao 316 bắc Làng Sen; Tiểu đoàn dù 2 chiếm điểm cao 665 lập căn cứ hỏa lực 30; Tiểu đoàn dù 3 và Lữ đoàn dù 3 chiếm các điểm cao 543, 456 lập căn cứ hỏa lực 31 ở điểm cao 543”.

Xe tăng xung kích

Sau những ngày đầu hành quân thuận lợi, quân Ngụy bắt đầu bị chặn đánh dữ dội. Từ ngày 16/2, quân ta bắt đầu tấn công các cứ điểm bảo vệ hai bên sườn của cuộc hành quân. Ở cao điểm 543, Trung đoàn 64 được phối thuộc thêm Đại đội 9 (Tiểu đoàn xe tăng 198) cũng nhận lệnh tấn công diệt cứ điểm.

Phát hiện hướng đông nam của cứ điểm 543, địa hình đồi chỉ dốc thoai thoải, có thể đưa xe tăng lên được, ta quyết định cho xe tăng đột kích từ hướng này. Tuy nhiên, ở hướng này cây cối rậm rạp.

Vậy làm sao mở đường cho xe tăng vào tấn công mà địch không phát hiện. Sau nhiều lần bàn bạc, quân ta sáng kiến cưa ngang các cây chắn đường nhưng chỉ cưa gần đổ, đến trước giờ nổ súng mới cho đổ xuống để giữ bí mật.

Xe tăng PT-76 số hiệu 555 đã lập nên kỳ tích "đơn thương độc mã diệt gọn tiểu đoàn địch" trong trận đánh cao điểm 543.

11h30 phút ngày 25/2/1971, Đại đội 9 được lệnh xuất kích, xe tăng PT-76 (số hiệu 555) cùng dẫn đầu đội hình Trung đội 1 rú ga tăng tốc độ húc đổ những cây to đã cưa sẵn tiến lên điểm cao 543. 

Thấy xe tăng của ta xuất hiện, địch tập trung hoả lực pháo binh, máy bay đánh vào đội hình tiến công của bộ binh và xe tăng ta. Một chùm bom rơi gần xe 555 làm ống nước bị hỏng, lái xe đoàn nhanh chóng dùng ống cao su thay thế và tiếp tục cho xe tiến thẳng lên phía trước. Trưởng xe Duyên sử dụng pháo 76 mm bắn vào các hoả điểm và tiêu diệt quân địch đang bỏ chạy từ mỏm 4 về sân bay trực thăng.

“Đơn thương độc mã” bắt sống chỉ huy Ngụy

Đội hình xe tăng tiến công lên cao điểm 543 gồm 3 chiếc thì 1 chiếc bị bắn cháy, chiếc khác đã bị hỏng, chỉ còn chiếc xe mang số 555 tiến lên. Lúc này bộ binh cũng chưa lên kịp.

Ông Nguyễn Đình Thoảng, pháo thủ của xe 550 kể: “Cuộc chiến đấu chỉ còn lại duy nhất một chiếc xe của chúng tôi. Thấy xe tăng của ta, bọn địch ở các hầm cơ động, thông hào bắn ra như mưa. Nhiều tên sợ quá, ném lựu đạn quên rút chốt. Xe tăng của tôi tiến lên được đỉnh đồi và cứ thế quần nhau với cả tiểu đoàn dù địch… Khi đồng chí trưởng xe bị thương, đồng chí Cối (pháo thủ) giúp lái xe, còn tôi vào vị trí trưởng xe kiêm pháo thủ.

Tôi dùng pháo 76mm, đại liên 12,7mm bắn vào các ổ đề kháng của địch. Trong xe tầm bắn hạn chế, tôi bò ra lưng xe hạ nòng 12,7mm bắn thẳng vào các cửa hầm của địch. Một mình tôi đã bắn như thế từ hơn 9h sáng cho đến 4h chiều, bắn hết 2 hòm đạn 12,7mm, bắn hết tất cả cơ số đạn trong xe tăng dành cho 3 trận đánh công kiên. Trong xe chỉ còn lại 2 quả đạn vạch sáng cực nhanh - một loại đạn rất có giá trị khi bắn phải được lệnh. Bắn đến mức tai như ù, đầu muốn vỡ, mắt nổ đom đóm.

Đại tá Thọ (thứ 2 từ phải sang) trình diện các nhà báo sau khi bị bắt.

Đến khoảng 4h chiều, lữ đoàn dù địch phần thì bị tiêu diệt, phần thì bị thương, phần thì bỏ chạy tán loạn. Cuối trận đánh phát hiện còn một hầm cố thủ của địch, chúng tôi cho xe lên mặt hầm quần thảo, bắn đạn khói, ném lựu đạn cay buộc địch phải ra hàng. Từ trong xe thấy lúc nhúc địch, đồng chí Cối lệnh cho tôi ra khỏi xe bắt sống tù binh. Tôi cắp khẩu AK nhảy xuống đất. Nhìn trước mặt là mấy chục tên địch có tên còn cầm vũ khí. Đồng chí Cối đứng trên xe dùng AK khống chế địch và ném dây cho tôi.

Chúng tôi không ngờ đây chính là hầm chỉ huy, tôi một tay để vào cò súng, dùng nòng súng khoành dây trói liên tiếp quanh người tổng số 47 tên. Tận bây giờ tôi không hiểu sao mình lại nghĩ ra được cách trói địch có một không hai như vậy! Một xâu tù binh dài tới hai ba chục mét. Vừa trói tôi vừa nhớ đến những dây cua đồng bán ở chợ quê tôi, người nông dân cũng trói cua tương tự thế này. 47 tù binh tôi bắt sống hôm đó gồm toàn bộ Bộ Tham mưu Lữ đoàn dù, trong đó có tên Đại tá Thọ - Lữ đoàn trưởng”.

Trận tấn công lên cao điểm 543 của bộ đội xe tăng hiệp đồng với bộ binh có thể nói là trận đánh dũng mãnh của xe tăng ta. Chỉ một chiếc xe tăng đã quần thảo khắp trận địa của một tiểu đoàn dù địch và bắt sống toàn bộ ban tham mưu và lữ đoàn trưởng của địch. Điều đáng lưu ý, chiếc xe mang số 555 này cũng chính là chiếc xe đánh tham gia đánh thắng trong trận Làng Vây 3 năm trước.

Nguồn

Hướng dẫn chăm sóc cây

Bạn có thể thích

Ant Green
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn